Mặc dù thành công kép của Việt Nam vào năm 2020 tiếp tục là bài học được các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đánh giá là kinh nghiệm quý cho không chỉ Việt Nam, mà còn nhiều nền kinh tế khác, các chuyên gia của Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) vẫn buộc phải cảnh báo đối với kinh tế năm 2021 và trung hạn. Chất lượng tăng trưởng kinh tế tuy được cải thiện nhưng vẫn còn chậm so với các nền kinh tế trong khu vực. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế cũng tiếp tục phải bàn vì còn lạc hậu so với mặt bằng chung của nhóm nước có thu nhập trung bình thấp.
Đến quý 3 năm 2021, dưới những tác động xấu của đại dịch vừa qua, các chuyên gia kinh tế đề cảnh báo nỗi lo bong bóng tài sản do dòng tiền nhàn rỗi trong thời điểm này. Vậy các dòng tiền nhàn rỗi này do đâu mà tạo ra, chúng sẽ tác động đến nền kinh tế chung ra sao? Các bạn theo dõi bài phân tích dưới đây của chúng tôi nhé!
Dòng vốn đang bị phân tán mạnh vào nhiều kênh thu hút vốn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa có văn bản giải trình ý kiến ĐBQH Hà Sỹ Đồng trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV ngày 25/7.
Cụ thể, ĐB Hà Sỹ Đồng cho rằng: “Về chính sách tiền tệ, việc dòng vốn đang bị phân tán mạnh vào những kênh thu hút vốn khác ngoài ngân hàng là chứng khoán, bất động sản, trái phiếu DN các sản phẩm liên kết, bảo hiểm, đầu tư, quỹ hưu trí của các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư đang gây ra những méo mó, sai lệch, mất cân bằng tài chính, đã có những cảnh báo từ các cơ quan nhà nước phụ trách. Tuy nhiên, vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc hóa giải rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ là rất lớn”.
Kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Giải trình với ĐBQH, Thống đốc cho hay, trong chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng nhà nước thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích dòng vốn tín dụng tập trung vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiêu biểu như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông. Tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro giảm dần qua các năm.
Thống đốc dẫn chứng, tỉ trọng tín dụng đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm tỉ trọng nhỏ. Chỉ 0,5% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng bất động sản giảm dần. Tập trung chủ yếu vào mục đích sử dụng là nhu cầu thiết yếu của người dân; nền kinh tế (chiếm hơn 60% dư nợ bất động sản). Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, những tháng đầu năm 2021; thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh. Giá bất động sản tăng cao là giá đất nền ở địa phương có thông tin quy hoạch đô thị; giao thông, hạ tầng hoặc điều chỉnh tăng giá đất…
Dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động kinh tế khó khăn hơn
Diễn biến này có nhiều nguyên nhân, một phần do dịch Covid-19 khiến triển vọng kinh tế khó khăn. Mặt bằng lãi suất huy động ngân hàng giảm, nhiều DN, người dân có nguồn tiền; nhưng thiếu cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh nên gia tăng đầu tư chứng khoán, bất động sản. Xu hướng này tương đồng với diễn biến chung trên thế giới… Việc giám sát rủi ro các thị trường này thuộc phạm vi quản lý của nhiều ngành.
“Về phía ngành ngân hàng, từ đầu năm đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro này. Do đó tín dụng các lĩnh vực này trong tầm kiểm soát”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành hoạt động tín dụng an toàn, lành mạnh. Hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất; lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Cùng với đó là kiểm soát nợ xấu, kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Cảnh báo dòng tiền nhàn rỗi tạo ra những bong bóng tài sản
Trong văn bản phản hồi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, mọi ngân hàng trung ương trên thế giới đều đang trong tình thế lưỡng nan khi buộc phải kéo dài nới lỏng tiền tệ, cả bằng các công cụ nghiệp vụ truyền thống lẫn phi truyền thống. Việc này để hỗ trợ nền kinh tế quốc nội vượt qua những khó khăn của thời đại dịch. Dù rất hiểu hệ lụy dài hạn không mong muốn của nó đối với thị trường tài chính – tiền tệ. Sau cùng là chính nền kinh tế thực.
Bài học từ khủng hoảng 2008 cho dòng tiền nhàn rỗi
“Bài học của thời kỳ khủng hoảng kinh tế – tài chính thế giới 2008-2009 đã chỉ ra điều đó. Hiện các ngân hàng trung ương đang bị phân cực khá rõ nét. Tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể của mỗi quốc gia. Các động thái chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), hay của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA), Ngân hàng Anh quốc (BOE), đặc biệt của Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) mới đây là rất đáng lưu ý”, đại biểu tỉnh Quảng Trị phân tích. Ở Việt Nam, thực tế hơn một năm qua cho thấy, những nguồn tiền tạm nhàn rỗi trong nền kinh tế đang dần bị phân tán vào nhiều kênh huy động vốn phi chính thức, hay biến tướng, lách luật, thậm chí bất hợp pháp…
Dòng tiền nhàn rỗi lưu thông bất bình thường
“Nói rộng hơn, dòng tiền đang lưu thông khá bất bình thường trong tổng thể thị trường tài chính – tiền tệ, hệ lụy là tạo ra những bong bóng tài sản và những méo mó, mất cân bằng tài chính khác”, ông cảnh báo. Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, các cơ quan hữu trách như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, hay chính Ngân hàng Nhà nước, lẫn một số chuyên gia kinh tế, đã phát đi những cảnh báo cần thiết. Ông Đồng mong muốn các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước có những quyết sách sáng suốt; cả cho ngắn hạn lẫn dài hạn trước tình trạng này.